Thế lưỡng nan của ngành thức ăn chăn nuôi

    Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm lên đến 1,7 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là khô đậu tương, bột cá và mới đây là DDGS (sản phẩm phụ giàu protein của quá trình sản xuất ethanol từ bắp). Nếu tính cả lúa mì và bắp thì con số này còn lên đến 2,4 tỉ đô la Mỹ.

    Sản xuất thức ăn gia súc tại một doanh nghiệp ở Long An. Ảnh: LÊ TOÀN.

    Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm lên đến 1,7 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là khô đậu tương, bột cá và mới đây là DDGS (sản phẩm phụ giàu protein của quá trình sản xuất ethanol từ bắp). Nếu tính cả lúa mì và bắp thì con số này còn lên đến 2,4 tỉ đô la Mỹ.

    Đây là ngành kinh doanh rất phát đạt trong nhiều năm của một số tập đoàn lớn nước ngoài cũng như rất nhiều doanh nghiệp nội địa mới gia nhập ngành.

    Tuy nhiên, có vẻ như năm 2010 sẽ là một năm đầy thách đố với các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

    Kể từ giữa năm 2010, sự biến động khó lường của thị trường thế giới cùng với sự trì trệ của ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cùng với các chi phí cao gánh chịu từ biến động kinh tế vĩ mô đang đẩy ngành kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào một tình thế nan giải.

    Giá nguyên liệu dâng cao

    Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà Việt Nam nhập khẩu hiện nay gồm khô đậu tương (49%), bắp (16%), bột cá (10%) và DDGS (5%). Việc thay thế các loại nguyên liệu này cho nhau trong trường hợp giá một mặt hàng nào đó tăng mạnh có thể là một giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2010, giá của tất cả các loại nguyên liệu nhập khẩu này đều đã dâng lên ở mức rất cao.

    Tháng 9-2010, trước những thông tin không mấy khả quan về sản lượng bắp tại Mỹ và Philippines, cùng với những quan ngại của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) về nhu cầu ngày càng tăng đối với nguyên liệu này cho sản xuất ethanol, giá bắp kỳ hạn trên CBOT chứng kiến tốc độ tăng kỷ lục từ trước tới nay. Giá bắp trung bình kỳ hạn trên CBOT tháng 9 gần chạm ngưỡng 500 xu Mỹ/bushel, đạt 484,82 xu Mỹ/bushel, tăng 18,68% so với tháng trước và cao hơn tới 49,22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng về giá cao nhất trong các loại ngũ cốc giao dịch trên CBOT.

    Trước tình trạng các nước tăng cường nhập khẩu nguyên liệu DDGS, nguyên liệu thay thế cho bột cá đang trong tình trạng “khan” hàng cùng với diễn biến giá bắp tăng nóng trên CBOT đã như chất xúc tác đẩy giá DDGS xuất khẩu của Mỹ tăng theo. Tính đến trung tuần tháng 10, giá DDGS xuất FOB của Mỹ tại cảng New Orleans kỳ hạn tháng 10 và tháng 11 lần lượt ở mức 205 đô la Mỹ/tấn và 210 đô la Mỹ/tấn, tăng hơn 12% so với mức giá giao dịch hồi đầu tháng 9.

    Nếu giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh thì một giải pháp khác là sử dụng các nguồn nguyên liệu nội địa. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch bài bản và chiến lược đầu tư vĩ mô nên nguồn nguyên liệu nội địa chỉ ở quy mô nhỏ, manh mún. Kết quả là giá các loại nguyên liệu thay thế lẫn nhau trên thị trường thế giới tăng mạnh làm cho giá các loại nguyên liệu trong nước cũng ào ạt tăng theo. Tháng 9-2010, giá sắn nội địa chứng kiến tốc độ tăng tới 11,04% so với tháng trước và 70,83% so với cùng kỳ năm trước để đạt mức giá thu mua 5.330 đồng/ki lô gam.

    Cung dồi dào nhưng cầu trì trệ

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chín tháng đầu năm (chưa bao gồm bắp và lúa mì) đạt 1,66 tỉ đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2009. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã thấy trước xu thế tăng giá nguyên liệu nên đã tăng mạnh nhập khẩu vào giữa năm. Hướng đi này cho thấy sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trước thị trường để giảm thiểu rủi ro của chi phí đẩy. Họ đã tránh được phần nào cơn bão tăng giá, nhưng lại phải đối mặt với sức cầu trì trệ.

    Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, kể từ những tháng giữa năm 2010 có xu hướng giãn ra giữa chỉ số tăng trưởng của sản xuất và nhu cầu. Kể từ tháng 5-2010, khi tốc độ tăng trưởng sản xuất có xu hướng giảm, tốc độ giảm của cầu còn mạnh hơn, đặc biệt đối với tiêu thụ thức ăn cho thủy sản.

    Cũng theo số liệu của TCTK, chỉ số tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cho thủy sản có xu hướng giảm trong hai tháng gần đây. Nguyên do là hiện nay, mùa nuôi tôm công nghiệp chính vụ đã kết thúc, nông dân đã ngừng thả nuôi mới, mặt khác diện tích nuôi thả cá tra cũng có xu hướng giảm trước áp lực chi phí tăng trong khi đầu ra không được cải thiện. Trong khi đó, chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh tai xanh bùng phát. Theo TCTK, đến tháng 9 đàn heo cả nước có 27,1 triệu con, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

    Sức cung khá dồi dào nhưng cầu trì trệ đã làm cho tình hình tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp gặp khó khăn, tồn kho cao. Theo TCTK, mức độ tồn kho tháng 9 so với tháng 8 không có sự thay đổi lớn, tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm 2009 tình hình tồn kho ở mức tăng 60%, trong đó tồn kho thức ăn cho gia súc gia cầm ở mức tăng 73%, đối với thức ăn cho thủy sản ở mức tăng 40%.

    Không nhiều cơ hội trong những tháng cuối năm

    Theo Báo cáo Triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi mới công bố của AgroMonitor, yếu tố tác động tích cực đến thị trường thức ăn chăn nuôi cuối năm đó là sản xuất chăn nuôi mở rộng để phục vụ nhu cầu dịp Tết. Đây có thể là lực cầu kéo hiếm hoi đối với tiêu thụ thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Tuy nhiên, dư địa không lớn do cả yếu tố chi phí cao đối với ngành chăn nuôi cũng như sức mua của người dân không tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế trì trệ, và áp lực cạnh tranh từ thịt nhập khẩu.

    Trong khi đó, các yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường thức ăn chăn nuôi ngày càng hiện hữu, áp lực về giá thế giới đứng ở mức cao cùng với tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ đang bị mất giá và diễn biến thất thường sẽ làm cho các nhà nhập khẩu lo ngại nên lượng nhập khẩu khó có thể duy trì như mức hiện nay, hoặc có nhiều khả năng sẽ suy giảm mạnh. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu sẽ không nhiều khi lượng hàng tồn kho đang duy trì ở mức khá cao.

    Như vậy, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn từ nguồn nguyên liệu thế giới suy giảm, giá dâng cao, và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước trì trệ. Nhiều khả năng sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ khó tăng. Có thể giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục tăng lên do áp lực về chi phí đẩy, tuy nhiên đối mặt với nhu cầu tiêu thụ không được cải thiện thì khả năng tiêu thụ sẽ gặp nhiều trở ngại. Trong trường hợp giá không tăng thì sẽ có nhiều doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ gặp khó khăn và khó trụ vững trong ngành lâu dài.

    (Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

    Tin tức

    Tỷ phú cá sấu quê lúa

    Sở hữu trại cá sấu rộng hơn 1 ha và gần 300 trại vệ tinh phân bố ở 8 tỉnh phía Bắc, xuất ra thị trường trong và ngoài nước gần 50.000 con cá sấu/năm, giá trị cả chục tỷ đồng, trại cá sấu của anh Trần Ngọc Hiếu, xã Thụy Duyên (Thái Thụy- Thái Bình) xứng danh lớn nhất miền Bắc.

    Dụng cụ chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi gà, thiết bị chăn nuôi lợn, tư vấn thiết kế trang trại chăn nuôi.

    Copyright 2014 - dungcuchannuoi.com
    Cho thuê, chuyển nhượng, hợp tác đầu tư phát triển dungcuchannuoi.com
    Portal được vận hành trên nền CIINS    |   Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn