Sắm xe hơi nhờ “nuôi gà lạnh”

    Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở Bình Dương, Đồng Nai trở nên khá giả. Nhiều gia đình sắm được xe hơi và xe tải riêng để phục vụ sản xuất nhờ phát triển mô hình nuôi gà lạnh.

    Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở Bình Dương, Đồng Nai trở nên khá giả. Nhiều gia đình sắm được xe hơi và xe tải riêng để phục vụ sản xuất nhờ phát triển mô hình nuôi gà lạnh.

    Ông Tống Văn Hướng trong trại gà lạnh đang xây dựng - Ảnh: T.Mạnh (Tuổi Trẻ).

    Lãi 40 - 50 triệu đồng mỗi lứa gà


    Ông Tống Văn Hướng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa (Dầu Tiếng, Bình Dương), được xem là một trong những người đầu tiên đưa mô hình nuôi gà lạnh về địa phương.


    Chuyển từ mô hình nuôi gà chuồng hở sang nuôi gà lạnh từ năm 2003, đến đầu năm 2009, ngoài hai chuồng trại hiện có, ông Hướng đang phát triển thêm sáu trại nuôi với tổng đàn gà lên đến gần 80.000 con.


    Dù chi phí xây trại khá lớn (khoảng một tỉ đồng cho một trại công suất 12.000 con gà), nhưng theo ông Hướng, hiệu quả từ mô hình này khá cao.


    Theo tính toán, với giá thức ăn chăn nuôi hiện nay, mỗi lứa gà 10.000 con nuôi (45 - 60 ngày) theo mô hình phòng lạnh, người nuôi lãi bình quân 40 - 50 triệu đồng. Mỗi năm nuôi được 4 - 5 lứa gà nên lợi nhuận thu được từ mô hình nuôi gà lạnh đang hấp dẫn nhiều người dân đầu tư.


    Tuy nhiên, do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên nhiều người dân tổ chức hùn vốn cùng anh em, họ hàng mở chung một trại. Chỉ riêng ở xã Minh Hòa hiện có 20 trại gà lạnh, trong đó khoảng 10 trại đang xây hoặc vừa đưa vào sử dụng. Nhiều gia đình khác đang làm hồ sơ vay vốn để xây dựng thêm các trại mới.


    Không chỉ Bình Dương, mô hình nuôi gà lạnh hiện khá phổ biến ở Đồng Nai. Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, hiện tỉnh có trên 100 trại gà lạnh với tổng số 1,2 triệu con (tổng số đàn gà cả tỉnh là 5,5 triệu con).


    Do tốc độ phát triển các trại gà lạnh đang tăng lên nhanh chóng nên dự kiến đến cuối năm 2009, số lượng chuồng gà kín tại Đồng Nai có thể tăng gấp đôi hiện nay, với tổng đàn gà lên trên ba triệu con, tập trung tại các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Long Thành.


    Ít dịch bệnh


    Theo anh Âu Thanh Long (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ngoài hiệu quả kinh tế, nuôi gà lạnh giảm thiểu rất nhiều nguy cơ dịch bệnh.


    “Do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo... nên rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà” - anh Long khẳng định.


    Tương tự, ông Tống Văn Hướng cho biết, từ khi chuyển sang nuôi gà lạnh năm 2001 đến nay, chưa lần nào cúm gia cầm xuất hiện tại trại nuôi.


    Đặc biệt, ở hầu hết các trại gà lạnh đều không có mùi hôi hay những đám ruồi nhặng bay đầy chuồng như những trại gà hở. Ông Nguyễn Văn Ngọc, có 10 trại gà nuôi ở Vĩnh Cửu, giải thích, không khí được làm mát trước khi đưa vào chuồng và luân lưu liên tục nên không còn mùi hôi.


    Theo nhiều chủ trại nuôi gà, hiện nay, người nuôi gà lạnh có thể chọn một trong các hình thức nuôi gia công, nuôi hợp đồng hoặc nuôi độc lập.


    Với trường hợp nuôi gia công, các công ty (như CP, Jappa, Emivet) sẽ trả cho người nuôi tiền công khoảng 4.000 đồng/con gà sau 45 ngày.


    Nếu nuôi theo hợp đồng thì hai bên thỏa thuận giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi và giá bán gà trong một thời gian nhất định (thường là một năm).


    Cả hai trường hợp này, công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi đến khi cân gà mới tính tiền. Với hai hình thức này người nuôi ít rủi ro khi có biến động về giá cả.


    Ngoài ra, người nuôi có thể tự bỏ vốn mua con giống và thức ăn rồi bán gà với giá thị trường. Nuôi theo cách này tốn nhiều chi phí hơn và rủi ro cao nếu giá thị trường xuống thấp nhưng cũng có thể có lợi nhuận rất cao khi giá lên.
     

    Đầu tư cao nhưng hiệu quả hơn

    Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình nuôi gà lạnh là vốn đầu tư lớn, khoảng một tỉ đồng/trại (có công suất 10.000 con gà/lứa), trong khi đó xây trại gà hở chỉ 200 - 300 triệu đồng.

    Trong đó, trại gà lạnh phải đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố, xây bằng bêtông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, hệ thống cho ăn tự động, máy phát điện dự phòng. Chỉ tính riêng hệ thống này chiếm tới 70-80% vốn đầu tư của trại gà.

    Đổi lại, trại gà lạnh tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức cho người nuôi. Cụ thể, nuôi gà lạnh không tốn công rửa chuồng như trại hở. Do có hệ thống cho ăn tự động nên năng suất lao động của công nhân rất cao. Nếu nuôi gà hở, mỗi công nhân chỉ có thể nuôi được 30.000 con gà thì nuôi gà lạnh có thể nuôi trên 100.000 con.

    Ngoài ra, do xây dựng kiên cố nên thời gian sử dụng trại gà lạnh khá lâu, có thể lên tới 10 năm, trong khi trại gà hở chỉ sử dụng được 2-3 năm là phải làm lại.

    (Theo Trần Mạnh (Tuổi Trẻ ) // Báo Tiền Phong)

    Tin tức

    Tỷ phú cá sấu quê lúa

    Sở hữu trại cá sấu rộng hơn 1 ha và gần 300 trại vệ tinh phân bố ở 8 tỉnh phía Bắc, xuất ra thị trường trong và ngoài nước gần 50.000 con cá sấu/năm, giá trị cả chục tỷ đồng, trại cá sấu của anh Trần Ngọc Hiếu, xã Thụy Duyên (Thái Thụy- Thái Bình) xứng danh lớn nhất miền Bắc.

    Dụng cụ chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi, thiết bị chăn nuôi gà, thiết bị chăn nuôi lợn, tư vấn thiết kế trang trại chăn nuôi.

    Copyright 2014 - dungcuchannuoi.com
    Cho thuê, chuyển nhượng, hợp tác đầu tư phát triển dungcuchannuoi.com
    Portal được vận hành trên nền CIINS    |   Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn